Thông báo chung

Tin Tức

Ngày 9/2/2018, Sở GD&ĐT đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) năm 2018. 

Đến dự có các đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Mai Thức, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Đức Thắng, UVTVTU, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.

Tại kỳ thi chọn HSGQG năm 2018,  đoàn Quảng Trị có 54 em tham dự thì có 16 em đạt giải, trong đó có 1 giải nhất, 6 giải nhì, 3 giải ba và 6 giải khuyến khích. Trong đó có 4 em đạt điểm cao được gọi vào đội dự tuyển chọn học sinh giỏi dự thi quốc tế, đạt tỷ lệ 25%, cao nhất từ trước tới nay.  

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch HĐND tỉnh đã ghi nhận và biểu dương những thành tích đáng tự hào mà đội ngũ nhà giáo cùng học sinh của tỉnh đạt được trong thời gian qua. 

 Đồng chí đánh giá cao sự tận tụy của đội ngũ giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi trong việc phát hiện sớm các em học sinh có tư chất để đào luyện đạt kết quả cao, mang vinh quang về cho quê hương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các em học sinh không ngừng nỗ lực học tập để có những tiến bộ vượt bậc, thành tích cao hơn nữa. 

Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nhà trường cần chú trọng công tác dạy học đi đôi với thực hành, tích cực đổi mới tư duy, phát huy sáng tạo, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp tục triển khai có hiệu quả và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm học 2017-2018. 

Cũng tại buổi tuyên dương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 7 tổ chuyên môn, 7 giáo viên bồi dưỡng HSGQG và 10 học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi HSGQG. Sở Giáo dục&Đào tạo cũng tặng giấy khen cho các tổ, các giáo viên trực tiếp bồi dưỡng cũng như 16 hoc sinh đoạt giải.

Đồng chí Lê Duẩn sinh năm 1907 ở làng Bích La, xã Triệu Đông, sau theo gia đình về sinh sống ở làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, Triệu Phong, hơn 20 tuổi đã tham gia vào các phong trào cách mạng. 

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Duẩn có nhiều năm hoạt động ở chiến trường miền Nam, cả thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như trong những năm chống Mỹ, góp phần cùng đồng bào, đồng chí lập nên bao chiến công hiển hách. Năm 1940, từ nhà tù Côn Đảo, lần thứ hai trở về đất liền, đồng chí Lê Duẩn trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Những năm 1946-1954, với cương vị là Bí thư Xứ ủy, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Trung ương Cục tổ chức cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và tiến hành cải cách ruộng đất trong các vùng giải phóng.  Tháng 10/1954, tại rừng U Minh, Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam Bộ được triệu tập. Tại hội nghị này đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.

Từ thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam, năm 1956, đồng chí soạn thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Trong đó xác định tính chất của xã hội miền Nam là xã hội thuộc địa kiểu mới, chính quyền miền Nam hiện tại là tay sai của đế quốc Mỹ và để chống lại nó, không còn con đường nào khác là con đường cách mạng, sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để đánh đổ chính quyền tay sai thân Mỹ. Trong bài “Đồng chí Lê Duẩn và việc ra đời Đề cương cách mạng miền Nam năm 1956”, tác giả Minh Vượng cho rằng: “Bản Đề cương quý giá này là sản phẩm tinh hoa trí tuệ và nhiệt tình cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, được kết tinh bởi máu xương và nước mắt của hàng triệu đảng viên, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Nó đã trở thành cơ sở cho Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) năm 1959 về con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, đã đưa cách mạng miền Nam vượt qua giai đoạn thử thách nghiêm trọng nhất, từ thoái trào và thế gìn giữ lực lượng chuyển hẳn sang thế tiến công”. 

Dám đánh Mỹ, quyết tâm đánh Mỹ là ý chí không thể lung lay của đồng chí Lê Duẩn. Trong lúc nhiều người, nhiều nước trên thế giới sợ Mỹ vì tiềm lực kinh tế, quân sự, quốc phòng hùng mạnh. Không ít nước khuyên chúng ta trường kỳ mai phục thì đồng chí Lê Duẩn vẫn thể hiện một quyết tâm không thể lay chuyển. Quyết tâm đó bắt nguồn từ việc am hiểu tình hình thực tế chiến trường miền Nam và việc nắm bắt ý nguyện cháy bỏng, khát khao của đồng bào miền Nam lúc đó. Trong bài viết “Phải đánh thức nội lực và niềm tin dân tộc” đăng trên Báo An ninh thế giới, số tháng 9/2016, Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn kể lại rằng: “Khi ba tôi hội đàm ở Mát-xcơ-va với Chủ tịch Hội đồng nhà nước Liên Xô thì ông đã nói với ba tôi: Các đồng chí không bao giờ thắng được Mỹ, vì Mỹ mạnh đến mức chúng tôi phải sợ. 

Những người đi với ba tôi bảo chưa bao giờ thấy ông giận như lúc ấy, ông bỏ qua mọi nghi lễ ngoại giao mà đập bàn rất mạnh, rồi nói lại: Các đồng chí ủng hộ chúng tôi, chúng tôi sẽ thắng Mỹ với sự hy sinh ít nhất. Các đồng chí không ủng hộ chúng tôi, chúng tôi vẫn sẽ thắng Mỹ với những sự hy sinh gấp 3, gấp 4 lần. Và khi chúng ta thắng Mỹ rồi, ba tôi gặp lại ông này thì thấy ông ấy buồn vô cùng, vì rốt cuộc ông ấy đã sai”. Không chỉ có ý chí, quyết tâm cao, Tổng Bí thư Lê Duẩn còn là vị lãnh đạo cách mạng tài ba, có trí tuệ thông tuệ, nhìn nhận, đánh giá đúng hiện tượng, sự vật, những chuyển động của cuộc sống. Dù không được học hành ở trường lớp nhiều nhưng đồng chí học ở cuộc sống, bạn bè, đồng chí, học trong sách vở, kết hợp lý luận với thực tiễn nên đã tự làm giàu cho kiến thức của mình. 

Đồng chí vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương đề ra, cùng với Xứ ủy Nam Bộ và sau này là Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng giải quyết một loạt những vấn đề về chiến tranh cách mạng, giành độc lập dân tộc, ý thức tự chủ, tự cường và những vấn đề về xây dựng chủ nghĩa xã hội… Nhiều cán bộ cách mạng và đồng bào các tỉnh Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đã ví đồng chí là “Ngọn đèn hai trăm nến”, bởi đồng chí giải quyết những vấn đề chiến lược, sách lược rất sắc bén, có nghệ thuật lãnh đạo độc đáo, tài tình, có tư duy lý luận và thực tiễn phong phú, có tầm nhìn xa, thấy rộng, có tư tưởng tiến công và luôn sáng tạo. 

Đã có lần Bác Hồ khen khi đọc báo cáo của đồng chí Lê Duẩn từ Nam Bộ gửi ra, rằng: “Chỉ có mấy trang mà nêu rõ được các vấn đề lớn ở Nam Bộ”. Phương pháp tư duy khoa học, khí phách, nhiệt tình và ý chí cách mạng tiến công của đồng chí Lê Duẩn được phát huy cao độ và thể hiện tuyệt vời trong việc chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược cuối cùng - tiến hành tổng công kích vào sào huyệt của địch tại Sài Gòn, giành đại thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Là người lãnh đạo cách mạng, đồng chí Lê Duẩn luôn coi trọng việc phân tích, đánh giá tình hình và biết nắm bắt thời cơ rất giỏi. Khi thấy chiến trường miền Nam có lợi cho ta, đồng chí đã đề nghị Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương chuyển sang tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Từ đề nghị này, Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy Trung ương đã hạ quyết tâm chuẩn xác tạo điều kiện thúc đẩy cuộc tiến công chiến lược giành thắng lợi nhanh hơn, to lớn hơn, đưa đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào năm 1975. 

Đánh giá về những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Duẩn đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng miền Nam, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng: “Suốt hai mươi năm chống Mỹ, có thể nói, trong mỗi quyết sách chiến lược đối nội cũng như đối ngoại, trong mỗi thắng lợi của tiền tuyến cũng như ở hậu phương, trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán, trong giai đoạn mở đầu cũng như trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, ở đâu cũng có dấu ấn tư duy độc lập, trí tuệ sáng tạo và nghị lực phi thường của anh Ba”. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất Tổng Bí thư Lê Duẩn, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh có bài viết đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, ra ngày 8/7/2016, trong đó nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã rất tin tưởng, sáng suốt khi giao cho anh trọng trách: Trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam kháng chiến chống thực dân Pháp; Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong suốt chiến tranh chống Mỹ và Tổng Bí thư của Đảng sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bằng tư duy sáng tạo và phẩm chất lớn lao, anh đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh cao cả đó; anh đã thật sự xứng đáng với sự ủy thác to lớn đó. 

Tự giác tôi luyện mình trong đấu tranh cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng chí Lê Duẩn đã trở thành nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam”. Nhờ có quyết tâm cao và tư duy sáng tạo, đồng chí cùng với BCH Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân ta giành nhiều thắng lợi vẻ vang, không chỉ trong những năm kháng chiến chống Mỹ mà cả những năm sau ngày miền Nam giải phóng trước bộn bề khó khăn; tiếp đó vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 hệ thống các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô sụp đổ thì nước ta vẫn đứng vững, đoàn kết, chung sức tiến hành sự nghiệp đổi mới và đạt được những kết quả ấn tượng như ngày nay. Thành quả đó có phần đóng góp không nhỏ của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Được vào học ở Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn là ước mơ của rất nhiều học sinh Quảng Trị. Những năm qua, đặc biệt là hai năm học 2016- 2017 và 2017-2018, trường có những sự phát triển vượt bậc về chất lượng giáo dục- đào tạo. 

Sinh viên Đặng Quỳnh Giao hiện bắt đầu bước vào năm thứ hai của 3 khoa: Quan hệ quốc tế - Khoa học chính trị và Khoa Kinh tế của Trường đại học St.Thomas; Khoa Toán của Đại học New Brunswick ở Canada chia sẻ rằng em có được vốn kiến thức tự tin như hôm nay ở môi trường hội nhập với thế giới trước hết là nhờ vào sự dày công dạy dỗ, bồi dưỡng kiến thức của thầy, cô giáo Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Thời gian học ở trường này, Đặng Quỳnh Giao đoạt giải Ba học sinh giỏi (HSG) quốc gia môn Tiếng Anh năm 2017. Sau khi tốt nghiệp THPT, cùng một lúc em được ba trường đại học lớn của thế giới cấp học bổng. Ngoài em Giao, năm học vừa qua tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có thêm một số em nhận được học bổng du học nước ngoài. 

Năm học 2016-2017 lần đầu tiên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có gần 70 học sinh được tuyển thẳng vào các trường đại học và 100% học sinh đỗ nguyện vọng 1 vào các trường đại học lớn của cả nước. Cũng trong năm học này, trường có 14 học sinh đoạt giải HSG quốc gia. Năm 2017-2018 trường có 16 học sinh đoạt giải quốc gia, nhưng chất lượng giải cao hơn, có giải Nhất, Nhì, Ba các môn Toán, Hóa, Tiếng Anh, Địa lý, đặc biệt là lần đầu tiên học sinh của trường đoạt giải Nhì quốc gia môn Tiếng Anh kể từ khi Bộ GD-ĐT thống nhất thi chung một bảng cho toàn quốc. Đây cũng là năm đầu tiên trường có đến 3 học sinh được vào đội tuyển quốc gia bồi dưỡng dự thi chọn đội tuyển quốc gia đi thi quốc tế. Mới đây, tại kỳ thi HSG các trường THPT chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ năm 2018 dành cho học sinh lớp 10 và 11 diễn ra tại tỉnh Nam Định, đoàn HSG của trường đoạt 2 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 9 huy chương đồng và 19 giải khuyến khích. Đây là lần đầu tiên học sinh của trường đoạt được huy chương vàng tại kỳ thi tầm quốc gia này. 

Trong gần hai năm qua, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có được sức bật lớn và kết quả tốt như vậy là nhờ sự quan tâm sâu sắc và động viên thiết thực cả tinh thần và vật chất của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao về chuyên môn của Sở GD-ĐT, tầm nhìn của lãnh đạo nhà trường, sự tận tâm với nghề của đội ngũ thầy, cô giáo, sự quan tâm đầu tư, ủng hộ của phụ huynh cùng truyền thống hiếu học, năng động, thông minh của học sinh Quảng Trị. Thầy Nguyễn Hoài Nam, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, trường luôn có vai trò chủ lực trong việc phát hiện, đào tạo mũi nhọn, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi, làm nhiệm vụ đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Nhiều học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đại học đã trở thành cán bộ, kỹ sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành được đánh giá cao. Năm học 2018-2019 trường tuyển sinh theo hình thức thi tuyển 240 học sinh cho các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Tin học, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý. Đặc biệt năm học này, lần đầu tiên học sinh đoạt giải Nhất trong kỳ thi HSG văn hóa lớp 9 THCS cấp tỉnh năm học 2017-2018 được ưu tiên tuyển thẳng vào trường với điều kiện môn đăng ký dự tuyển trùng với môn đoạt giải.

 

Đặc biệt, nhà trường đã có đề án đề nghị UBND tỉnh và được lãnh đạo tỉnh đồng tình, bắt đầu từ năm học 2018-2019 nâng cao chế độ đãi ngộ cho học sinh và giáo viên hơn trước đây nhằm kịp thời động viên sự sáng tạo, nhiệt huyết, say mê trong công tác dạy và học. Cụ thể học sinh có hạnh kiểm tốt, học lực giỏi trong học kỳ, là thành viên đội tuyển HSG các cấp, nếu điểm môn chuyên đạt từ 9,0 điểm trở lên được hỗ trợ học bổng khuyến khích học tập bằng 0,6 lần mức lương cơ sở/học sinh/tháng. Học sinh đoạt một trong các giải HSG cấp quốc gia được cấp học bổng khuyến khích học tập theo các mức từ 0,6 đến 0,8 mức lương cơ sở /học sinh/tháng; đoạt các giải khu vực quốc tế và quốc tế các môn văn hóa và khoa học- kỹ thuật được cấp học bổng khuyến khích học tập theo các mức từ 0,8 đến 1 lần mức lương cơ sở /học sinh/tháng. Ngoài ra còn chế độ thưởng cho các học sinh và giáo viên dạy học sinh có giải quốc tế, từ 10, 20, 40 và 60 triệu đồng đối với các mức giải Khuyến khích, giải Ba, giải Nhì, giải Nhất. Học sinh và giáo viên đoạt các giải cấp khu vực quốc tế được thưởng tiền bằng 80% các giải quốc tế. Với các giải quốc gia, học sinh và giáo viên được thưởng tiền từ mức 5,8,10 và 20 triệu đồng tương đương các mức giải Khuyến khích, giải Ba, giải Nhì và giải Nhất. Những phần thưởng có giá trị lớn như thế này lần đầu tiên được áp dụng. Còn các học sinh hộ nghèo học ở trường được trợ cấp tiền hằng tháng theo chế độ.